6 thg 6, 2011

hình chùa phú Lâu

 hình chụp tại chùa Phú Lâu 

 thầy Tín Nhơn và phật tử
 chụp tại lễ đài Phật Đản chùa Phú Lâu - PL 2555
 hình kỉ niệm với PGS. TS Đoàn Hạnh

lễ đài đức Phật đản sinh _ PL 2555

4 thg 6, 2011

CÂU ĐỐI TRÊN KIẾN TRÚC ĐẠI NỘI HUẾ


 CÂU ĐỐI TRÊN KIẾN TRÚC ĐẠI NỘI HUẾ
Th.S Trần Thị Thanh
 Trường Đại học Khoa học Huế

Đại Nội Huế - nơi cung điện lầu son gác tía của các vua triều Nguyễn, nơi kinh đô cuối cùng của nhà nước phong kiến Việt Nam đến nay hãy còn nhiều di tích để lại. Những di tích về vật thể và phi vật thể đã làm nên diện mạo của 700 năm Thuận Hoá-Phú Xuân Huế. Một trong những di tích phi vật thể để lại của triều đại nhà Nguyễn là những câu đối được ghi trên kiến trúc Đại Nội. Những câu đối đó không những làm tôn thêm vẻ đẹp của công trình mà còn phần nào nói lên bộ mặt tinh thần của một thời đại. Khi nghiên cứu về câu đối ở Đại nội Huế chúng tôi thấy có hai nội dung chính sau đây:
1. Câu đối ở cung điện ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị,  nền chính trị tốt đẹp.
Bước vào Đại Nội, đi vào trong điện Thái Hoà, chúng ta thấy hàng loạt các bài thơ được trang trí trên các ô hộc. Nếu dừng lại đọc và suy ngẫm, chúng ta sẽ thấy nội dung các bài thơ ấy phần lớn nói lên niềm tự hào về một đất nước thống nhất, có vua sáng tôi hiền, có cảnh sống yên ấm thanh bình của làng quê. Bài thơ tứ tuyệt

Văn hiến thiên niên quốc

Xa thư vạn lý đồ

Hồng Bàng khai tịch hậu

Nam phục nhất Đường Ngu
đã nói lên niềm tự hào to lớn về chiến công thống nhất đất nước của triều đình nhà Nguyễn và lòng tự hào dân tộc không bao giờ vơi cạn của mỗi người dân Việt Nam. Nước Việt Nam ta là một nước có nền văn hiến hàng ngàn năm. Triều đình nhà Nguyễn đã thống nhất giang sơn thành một dải hàng ngàn dặm. Từ lúc Hồng Bàng mở nước tới nay, nước Nam ta lại có một triều đình thanh bình và tốt đẹp như triều đại Đường Ngu của vua Nghiêu, vua Thuấn. Với nội dung này chẳng những nhiều bài thơ được khắc trong nội điện đề cập đến mà những câu đối được trang trí ở khắp các kiến trúc Đại Nội Huế cũng nói lên điều đó.
Thái Bình Lâu hay còn gọi là Thái Bình Ngự Lãm thư lâu là nơi vua thường ngồi đọc sách, nghỉ ngơi sau những giờ thiết triều căng thẳng. Nó là kiến trúc duy nhất bên trong tử cấm thành còn nguyên vẹn sau ngày Pháp chiến đóng Huế. Kiến trúc này được thay đổi từ thời Minh Mệnh cho đến năm 1887 thời Đồng Khánh. Do vậy cách trang trí các câu đối ở đây là từ thời Đồng Khánh. Còn nội dung các câu đối có thể là những ý tưởng chung của cả một triều đại nối tiếp nhau từ thế hệ này đến thế hệ khác. Các câu đối ở trụ cổng và mặt phía đông của toà lầu được ghép bằng những mảnh sứ màu trên các trụ vôi, không những để trang trí mà còn chuyển tải được cả tư tưởng của một tầng lớp xã hội đương thời cho hậu thế. Niềm tự hào dâng lên bất tận thấm vào từng câu từng chữ.

Nhất thống sơn hà trùng quang nhật nguyệt

Bát hoang hộ dũ lục hợp đình trừ
                                                                (Câu đối ở Thái Bình lâu)
(Thống nhất sơn hà nhật nguyệt về hội tụ.
Xa xôi nhà cửa lục hợp chiếu thềm sân.)
Thống nhất đất nước luôn là niềm tự hào của các ông vua triều Nguyễn. Trải qua quá trình dựng nghiệp, nhà Nguyễn đã xác lập được bản lĩnh của dòng họ mình. Mưu tính mở đất về phương Nam từ thời Nguyễn Hoàng (1558) đã được các thế hệ sau nối tiếp thực hiện. Bản đồ đất nước hiện nay được kéo dài từ địa đầu Móng Cái tới mũi Cà Mau chính là một phần công lao của vua tôi triều Nguyễn. Chính việc thống nhất đất nước đã tạo ra tiền đề rất lớn để đất nước ngày càng phát triển phồn thịnh. Lúc này đất nước không phân biệt nam bắc, quan lại triều cũ triều mới. Nếu ai có tài đều được trọng dụng. Đất nước như bừng sáng sau những ngày tháng tăm tối trong cảnh “nồi da xáo thịt”, “kiền khôn bĩ” đã đến ngày “thái”. Ánh sáng của vầng nhật nguyệt đã đem nguồn sáng cho cả loài người, đất Việt đã thanh bình nay lại càng như sáng hơn. Vua Nguyễn đã rọi thấu thềm sân của dân chúng ở tám phương sáu hướng, làm cho thôn cùng xóm vắng dân cũng được hưởng ơn sâu. Ơn sâu chiếu khắp chúng dân đó là do vua hết lòng lo lắng cho dân. Ngày thiết triều giải quyết công việc, đêm lo lắng đọc sách thánh hiền mong tìm điều hay lẽ phải để lấy đó làm gương soi.

Đàn tâm vạn kỷ, lao thần bách tính

Hy tung nhị đế, hoán mỹ tam vương
                                                             (Câu đối ở Thái Bình lâu)
(Hết lòng vì muôn việc, nhọc nhằn lo cho dân.
Nguyện theo gương Nghiêu Thuấn, để đẹp lòng tam vương).
Đối với dòng họ nhà Nguyễn, thế hệ sau luôn tiếp bước thế hệ trước, cố gắng làm tròn những gì mà thế hệ trước chưa kịp làm. Cả ba đời vua trước: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị đã gắng hết sức mình dựng xây đất nước trong cảnh thái bình thì đến Tự Đức lại nối theo cái đức ấy của cha ông để nghiệp vương ngày càng rạng rỡ như thời vua Thuấn, vua Nghiêu.

Đại đồng chi thế ngoại hộ bất bế

Tam đại chi dân trực đạo nhi hành
                                                         (Câu đối ở Thái Bình lâu)
(Đời Đại Đồng cửa ngoài không cần đóng.
Dân tam đại đạo đúng cứ theo làm).
Thời Đại Đồng - cái thời vua Nghiêu, vua Thuấn, dân chúng ấm no đất nước thanh bình, nhà cửa không cần đóng luôn luôn là tấm gương sáng để các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng như Việt Nam noi theo. Thời vua sáng tôi hiền, dân phong thuần hậu, nền chính trị tốt đẹp đã đề ra đường lối đúng đắn để dẫn dắt muôn dân, thật là một kỳ vọng để cho các vua triều Nguyễn vươn tới. Do vậy, câu đối này được khắc ở Thái Bình lâu để có ý như nhắc nhở, động viên những bậc “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân), phải luôn chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho dân, làm cho cuộc sống của dân giống như thời vua Nghiêu, Thuấn. Điều mong ước này có lúc thành sự thật. Nó chính là kết quả của sự phấn đấu bền bỉ không ngừng của cả một dòng họ trong vòng mấy trăm năm. Công này đã được hậu thế đánh giá đúng mức. Sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã từng viết: “Ngay từ thời các chúa Nguyễn, vùng đất Ô Châu đã thành nơi đô hội phồn vinh. Chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán”.
Một thời chinh chiến khói lửa luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của vua tôi triều Nguyễn. Nó cũng là một cơn ác mộng, mà cả dân tộc ta đã trải qua. Do vậy thống nhất đất nước, chấm dứt chiến tranh nội chiến như một tiếng thở phào nhẹ nhõm thoát ra từ lồng ngực của một người gánh nặng quá sức đã về tới đích. Điều này một lần nữa lại được nhắc ở một số câu đối phía trước và phía sau ngai vàng trong điện Thái Hoà trang trí ở các ô hộc:

Vụ tán âm tiêu thanh vũ trụ

Vân khai nhật diệu lệ sơn hà
                                                        (Câu đối dãy phía sau ngai vàng)
(Âm khí tiêu tan trời trong sáng.
Nắng vàng mây trải núi sông xinh).
Âm khí đã tiêu tan, những đám mây đen vần vũ báo hiệu một trận cuồng phong trên bầu trời đã tan biến khi đất nước được thanh bình. Vũ trụ dường như trong hơn, xanh hơn khi những giọt nước mắt của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, con nhỏ mất cha đã ngừng chảy. Họ mừng vì nay đã chấm dứt nội chiến. Những áng mây trời trôi nhè nhẹ trong bầu trời thanh bình dưới vầng nhật nguyệt trong sáng lại tăng thêm vẻ mỹ lệ cho sơn hà, xã tắc. Cảnh đẹp ấy còn được tô thắm thêm bởi cảnh sống yên ả thanh bình ở làng quê, với những phong tục tập quán tốt được khôi phục lại sau những năm tháng chiến tranh nhọc nhằn người dân đã bỏ quên.

Lư diêm thuần hậu dân phong mỹ

Thiên khí ôn hoà thất vũ xuân
                                                      (Câu đối dãy phía trước ngai vàng)
(Xóm thôn thuần hậu dân phong tốt.
Khí hậu ôn hoà nhà nhà xuân).
Thật là sự hoà hợp đồng điệu giữa khí trời, lòng người và ân đức của đất. Sự hoà điều này đã tạo ra “thiên khí ôn hoà” để cho nhà nhà được hưởng niềm vui. Niềm vui do nền chính trị tốt đẹp (theo gương Nghiêu Thuấn) đem lại đã làm cho mọi gia đình lúc nào cũng vui như đón xuân. Đọc câu đối này làm chúng ta liên tưởng đến một thời thanh bình của những vùng thôn xóm khi đất nước đã sạch bóng quân Nguyên.
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên

Bán vô bán hữu tịch dương biên

Mục đồng địch lý qui ngưu tận

Bạch bộ song song phi hạ điền
                                                 (Thiền Trường vãn vọng)
Khi đất nước đã sạch bóng quân thù, Trần Nhân Tông nhân một buổi chiều ngắm cảnh ở phủ Thiên Trường đã làm bài thơ này. Cảm xúc dâng tràn khi nhà vua, nhà thi sĩ đứng trước cảnh một thôn xóm yên bình với những nếp khói cuộn lên như những đám mây màu lam chiều. Đó là một buổi chiều thanh bình với ánh hoàng hôn ẩn hiện lúc có lúc lại dường như không. Hoà trong cảnh yên ấm thanh bình ấy là tiếng sáo vi vu của chú bé mục đồng đang dục trâu về. Trên cánh đồng bạt ngàn màu xanh no ấm, từng đàn cò trắng bay lượn, cặp thành từng đôi hạ cánh xuống đồng để tìm mồi. Thật là một cảnh yên ấm thanh bình ngoạn mục mà bất cứ vị vua hiền ở đời nào cũng mơ tới. Bởi cuộc sống thanh bình và no ấm của dân là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho ngai vàng tồn tại. Có lẽ cảm hứng của câu đối trên đã bắt nguồn từ một thực cảnh ấm no hạnh phúc của nhân dân đương thời. Đọc các câu đối trong kiến trúc của Đại Nội, hậu thế đã hình dung ra phần nào cảnh sống thanh bình của dân ta dưới thời nhà Nguyễn cai trị.

Vạn vật khí hoa tư phát dục

Cửu châu quang bị tự hoà quân
                                                  (Câu đối dãy phía trước ngai vàng)
(Vạn vật xinh tươi vui phát dục.
Nước non hoà điệu nắng xuân vui).
Bằng những nét chấm phá, phác hoạ đơn giản, câu đối ở Đại Nội đã vẽ nên bức tranh thái bình nhiều màu nhiều vẻ từ chốn cung đình đến nơi thôn dã. Điều đó cũng chính là cái “bản lai diện mục” mà triều Nguyễn phô bày ở nơi thiết triều uy nghiêm lộng lẫy để cho sứ giả các nước tới giao tiếp biết được thế đứng vững chãi của triều đình. Bởi dân có no thì nước mới mạnh, lương thực có đủ thì quân đội mới hùng cường. Do vậy, mấy chục năm dưới thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, các nước ở vùng lân cận ta đều giao tiếp với mối tình hoà hảo.
Cảnh ấm no hạnh phúc của dân, của thời đại đương thời không những được thể hiện ở các câu đối mà còn được thể hiện trong rất nhiều bài thơ được trang trí trong điện Thái Hoà và các bài thơ được khắc trên kiến trúc lăng Minh Mạng.

Thượng dĩ doanh thu cốc

Dã tương mậu hạ hoà

Minh thứ vô nhung thán

Khích nhưỡng hữu nông ca
                                                        (Thơ ở Sùng Ân điện)(1)
(Trong kho đầy lúa mùa thu.
Ngoài đồng lúa hạ đến thì lên xanh.
Tiếng chim rộn rã đầu cảnh.
Tuyệt không thấy cảnh khóc than kêu hờ.
Trên đồng đất đập tơi ra.
Nông dân hớn hở hát ca vang trời).
Cảnh yên ấm thanh bình này cũng sinh động chẳng kém gì cảnh vật trong bài thơ “Thiên Trường vãn vọng” của Trần Nhân Tông. Bài thơ được khắc trong Sùng Ân Điện của lăng Minh Mệnh, tuy không đề rõ tên tác giả nhưng người đọc có thể phán đoán được người làm thơ có một thế đứng cao, với một tầm quan sát rộng và có xen chút tự hào về cảnh sống ấm no vui tươi hạnh phúc của dân. Có được cảnh ấm no vui tươi ấy, đâu phải chỉ công lao của một ai. Đó là sự lao động cần cù chịu khó, một trong những đức tính tốt có từ ngàn đời của nhân dân Việt Nam. Có được vụ mùa bội thu, nhà nhà đầy cót thóc trong khi ngoài đồng lúa đã sắp làm đòng thì phải đâu chỉ dân chăm là được mà còn là kết quả của những chính sách khuyến nông, giảm thuế mà triều đình  nhà Nguyễn đã ban bố để động viên dân:

Nông bộ mộc hoà ân trạch quảng

Sĩ mông trấn tác giáo công thâm
                                               (Câu đối ở dãy phía trước ngai vàng)
(Nhà nông trúng vụ nhờ ơn trạch.
Kẻ sĩ đua tài bởi giáo công).
Triều đình nhà Nguyễn không những quan tâm đến đời sống vật chất của dân mà con giúp dân mở mang trí óc. Đó là công giáo hoá của các học quan mà triều đình đã phân bổ về tới các trường phủ, trường huyện. Những sinh đồ có học tài đều được nhà nước chu cấp cho lương bổng để ăn học. Vào năm thứ 8 niên hiệu Minh Mệnh nhà vua ban chiếu ra ngoài kinh thành rằng: “Những kẻ dũng cảm trí lực, phương vũ tài năng hơn người sẽ sung vào làm bộ binh, cấp lương bổng hàng tháng để học thành tài” (Minh Mệnh chính yếu - phần “Cầu hiền”). Hay nhà vua còn nói: “Trẫm từ khi làm việc chính sự đến nay đã cho thi văn tuyển võ, rồi theo thứ tự đỗ đạt mà cất nhắc” (Minh Mệnh chính yếu - phần “Cầu hiền”). Đến năm thứ 15, Minh Mệnh truyền lệnh rằng: “Hương cống loại ưu đặt làm giáo thụ, hương cống loại bình đặt làm hướng đạo, hương cống loại liệt thứ ở vùng Quảng Bình trở về phía nam được phái làm hành tẩu, còn từ Hà Tĩnh trở ra phía bắc thì sẽ được phóng hồi cho về quê lập nghiệp (Minh Mệnh chính yếu - phần “Cầu hiền”). Cách cai trị của vua Minh Mệnh thật đáng để kẻ sĩ trong nước đua tài. Bởi nhà vua nghĩ: “Trẫm luôn nghĩ nhân tài là tài khí của quốc gia, không thể để cho nó chìm đắm” (Minh Mênh chính yếu - phần “Cầu hiền”). Thật đúng là:

Đào công hoán linh thiên thu tự


Hoa chính nhân luân vạn thế truyền
                                                           (Câu đối dãy phía trước ngai vàng)
(Công lao giáo hoá ngàn năm chảy.
Chính trị bởi nhân truyền muôn đời).
Câu đối là một hình thức văn học ngắn gọn súc tích, nó không những là cách để thử tài (Mạc Đĩnh Chi thời Trần đi sứ sang Trung Quốc luôn bị quan quân nhà Nguyên thử tài bằng cách ra vế đối) mà còn là một hình thức để trang trí. Câu đối cũng là một cách để chuyển tải nội dung thông tin ngắn gọn hàm súc nhất bởi nó phải lựa chọn rất kỹ về mặt ngôn từ. Câu đối ở Đại Nội thực sự là những văn bản chạm khắc đem lại nhiều thông tin cần thiết cho những người hậu thế hiểu được một khía cạnh tốt đẹp của xã hội đương thời.
2. Câu đối ở cung điện ca ngợi cảnh đẹp
Cung điện - nơi lầu son gác tía, là chỗ ở và thiết triều của các vua chúa, bao giờ cũng được chọn xây ở những nơi mà tạo hoá đã kỳ công tạo lập. Cung điện của các vua triều Nguyễn - Đại Nội đã được xây dựng trong một cảnh thiên nhiên hữu tình, với những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Hàng loạt các công trình kiến trúc trong Đại Nội hiện ra với Ngọ Môn sừng sững, Điện Thái Hoà lộng lẫy vàng son, Thái Bình Lâu nên thơ độc đáo, sân chầu thoáng đãng uy nghiêm... Và hàng trăm những công trình lớn nhỏ khác nhau, tuy đã bị mai một nhưng sắp tới được sự tu bổ nó sẽ dần dần được khôi phục lại. Trên những kiến trúc còn lại trong Đại Nôi có một số câu đối đã mô tả cảnh đẹp ở nơi lầu son gác tía này.
Câu đối trong cung điện đã vẽ nên bức tranh đẹp hài hoà giữa thiên nhiên tạo hoá và bàn tay xây dựng tài hoa của con người. Khung cảnh tự nhiên, trời đất bao la, núi mây non nước như gấm thêu đã làm cho đế đô càng thêm hùng tráng.

Bình lãnh tiền lâm Hương Thuỷ tú

Hoàng thành cao vọng đế đô hùng
                                                          (Câu đối ở miếu thời thần vườn Cơ Hạ)
(Núi Ngự Bình tiền án, dòng Hương đẹp chảy qua.
Hoàng thành cao vòi vọi, đến đô trông oai hùng).
Sau gần một phần tư thế kỷ sống lưu vong, Nguyễn Ánh đã trở về chiếm lại Phú Xuân, thu giang sơn về một mối và bắt đầu xây dựng nghiệp đế của dòng họ mình. Năm 1802, Nguyễn Ánh xưng đế lấy niên hiệu Gia Long và quyết định chọn Phú Xuân làm kinh đô của triều Nguyễn. Năm 1803 vua Gia Long thân ngự đến xem xét địa thế tử làng Kim Long đến làng Thanh Hà rồi xuống chiếu cho bộ lễ chọn ngày lành tháng tốt để tế trời đất. Sau đó cả triều đình khẩn trương trong việc qui hoạch, thiết kế cho dự án kiến trúc của kinh đô, trong đó kinh thành là công trình vĩ đại nhất. Việc thi công kinh thành Huế chính thức kéo dài trong 27 năm (từ 1805 đến 1832, tất nhiên không phải nó diễn ra liên tục mà chỉ được tiến hành khi thời tiết thuận lợi). Vị trí của kinh thành Huế được các sử quan triều Nguyễn ghi lại rằng: “Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều họp về, đứng giữa hai miền Nam Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng, đường thuỷ thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm, đường bộ thì có Hoành Sơn, ải Hải Vân ngăn chặn, sông lớn dăng phía trước, núi cao chắn phía sau, rồng cuộn hổ ngồi, hình thế vững chắc ấy là do trời đất sắp đặt, thật là thượng đô của nhà vua...” [5, 2]. Vì vậy xem thấy đất dựng kinh đô của nhà vua trên dải đất miền Trung thì nơi này đúng là thượng đô. Còn vị trí của Đại Nội lại càng tuyệt hơn nữa. Vua tôi triều Nguyễn đã dựa vào thuật phong thuỷ để xây dựng cung điện, đúng như sách Kinh Dịch viết: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (Thánh nhân quay mặt về phương nam để nghe tiếng nói của thiên hạ). Tất nhiên là hướng của kinh thành là hoàn toàn phù hợp với vũ trụ quan của người phương Đông, nhưng các nhà kiến trúc không máy móc theo đúng hướng nam mà họ đã biết lợi dụng địa thế tự nhiên của núi Ngự, sông Hương để làm tiền án và minh đường bảo vệ cho kinh thành tránh được gió rét của phương bắc và không bị cái nắng chói chang ở hướng đông và hướng tây chiếu tới. Trên thực tế kinh thành Huế, trục chính là theo hướng đông nam - tây bắc. Nằm ở phía bên tả và hữu trục chính của kinh thành trên dòng Hương Giang còn có hai hòn đảo nhỏ tạo nên thế “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Các nhà thiết kế kinh thành đã lợi dụng vị trí nằm tương đối cân xứng của Cồn Hến để làm tả thanh long và Dã Viên là hữu bạch hổ để tạo thành rồng, cọp tượng trưng trấn giữ đế đô bảo vệ vương quyền. Địa thế tự nhiên được con người lựa chọn đã tạo thành một cảnh đẹp “độc nhất vô nhị” ở chốn kinh sư. Sông Hương núi Ngự xưa nay đã trở thành những đề tài bất tận cho thơ ca nhạc hoạ và nó cũng chính là cảm hứng để các nghệ sĩ làm câu đối, làm thơ khắc trong điện Thái Hoà. Hai câu thơ đầu của một bài thơ tứ tuyệt khắc trên điện Thái Hoà đã ví sông Hương đẹp như một dải Ngân hà ở trên bầu trời. Núi Ngự Bình như một bức tranh chạm trổ tinh xảo với nhiều đường nét giao phối hài hoà của tự nhiên.

Hương Thuỷ đà ngân đái

Bình Sơn kháng ỷ lưu
                                               (Bài thơ khắc trong điện Thái Hoà)
(Ngự Bình vai ngự án
Sông Hương mở Minh Đường).
Địa thế tự nhiên cùng với bàn tay kỳ diệu của con người đã tạo ra đế đô oai hùng với Hoàng thành cao vọi. Hoàng thành hay còn gọi là Đại Nội, nó chính là rốn của kinh đô, nơi đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ và là nơi thờ tự các vua chúa đã quá cố của triều Nguyễn. Đại Nội có chu vi khoảng 2.456m. Nam, Bắc mỗi chiều dài 606m; đông tây mỗi chiều dài 622m. Bao bọc trong đó là nhiều kiến trúc quan trọng để cho triều đình làm việc; vua thiết triều, gia đình vua có điều kiện ăn ở sinh hoạt và thờ tự. Đại Nội lại được bao quanh bởi kinh thành có chu vi dài 11km, thân thành dày 21m, cao 6m60 thật là vững chắc và oai hùng để đời sau ngưỡng vọng. Đi vào Đại Nội chính là cửa Ngọ Môn, chúng ta thấy có ao Kim Thuỷ chảy len vào cái hồ bên trong Hoàng Thành tạo thành một vòng đai nước trong như ngọc xanh. Cảnh đẹp này hoà cùng sắc trời sẽ tạo nên một bức thêu làm bình phong tuyệt đẹp.

Tân vi hồ thuỷ hoàn thanh đới

Tam diện vân sơn liệt cẩm bình
                       (Câu đối dãy trước ngai vàng).
Mặt nước hồ trong veo được bao quanh bởi vòng đai xanh tươi. Trong khi đó ở ba phía của mặt hồ có mây, có nước, có cảnh sắc xanh tươi điểm xuyết tạo nên vẻ đẹp duyên dáng của một bức gấm thêu tự nhiên làm bình phong. Ánh sáng của mặt trời toả rạng vào từng ngóc ngách của cung điện làm cho tất cả đều rực rỡ lên trong nắng mặt trời.

Tứ diện quang nghi quỳnh thát, nhật lâm thiên tải thụ

Cửu tiêu phong định lan đình hương mãn bách chi hoa
(Câu đối vở Triệu Tổ miếu)
(Cung điện nắng xuân tràn bốn mặt
Lầu son hương gió toả cửu tiêu).
Sắc trời, lòng người như hoà quyện vào nhau làm cảnh vật ở đây như sáng trong tươi đẹp hơn. Cung điện vàng son nguy nga lộng lẫy giữa Đại Nội cùng các công trình lớn nhỏ khác nhau rực sáng hơn lên giữa không gian tràn nắng gió hương hoa. Nắng xuân ấm áp tràn trề như đuổi đi âm khí nặng nề đón về luồng gió tươi mới thơm ngát mùi hương quỳnh, hương lan quyến rũ. Những loài hoa quí phái, những sắc hoa ánh vàng tươi đẹp như bừng dậy dưới bầu trời xuân sau những ngày dấu mình trong mùa đông gió tuyết.

Ỷ viện tân mai thăng bích thạch

Tùng thiềm cổ thụ nhập giai thanh
(Câu đối dãy trước ngai vàng).
(Mai mới nở vươn mình trên tường trắng.
Cổ thụ xanh toả bóng theo hiên nhà).
Rõ ràng cung điện không chỉ đẹp bởi lầu son gác tía, không phải chỉ đẹp vì kiến trúc hài hoà và cách trang trí của nó mà cung điện còn đẹp bởi quang cảnh thiên nhiên, bởi cỏ cây hoa lá. Hoa lá làm cho cung điện sống động trong cảnh thanh bình chứ không buồn lắng như chốn thâm cung bí sử. Ở đây con người và thiên nhiên gần gũi, giao cảm.

Tường ngoại oanh hào huyên mậu ỷ

Giai tiền tú thạch điểm tiên đài
(Câu đối dãy trước ngai vàng).
(Ngoài tường chim hót vang cành lá.
Trước thềm đá đẹp điểm rêu xanh).
Cỏ cây, hoa lá, chim muông, cảnh vật ở đây như hoà nhập với cung điện vàng son tạo nên bức tranh nhiều màu sắc với những nét chấm phá tuyệt vời. Ngọ Môn sừng sững uy nghi. Chiếu thẳng theo Ngọ Môn là Kim Thuỷ kiều lót bằng gạch thanh đã được chia ra nhiều cấp với tường hoa thấp bao quanh. Nhìn toàn cảnh ta thấy không gian mênh mông như đã hoà nhập với cung điện. Cách tạo mái “chồng diềm” để nâng chiều cao, ghép hai mái song hành kiểu “trùng thiềm điệp ốc” với phần nối là “vòm trần mai cua” để mở rộng mặt bằng và tạo độ sâu đã tạo nên không gian rộng rãi và sáng sủa trong cung điện. Các kiểu kiến trúc thanh thoát, cốt thon thả, nóc kiểu “giả thủ” với vòm mai cua và ván gió khắc bài thơ đã làm nên cái đẹp tuyệt vời để người người ngắm.

Ngập nghiệp tằng lâu chiếu cảnh ngưỡng

Sâm nghiêm liệt trượng tráng quan chiêm
(Câu đối dãy trước ngai vàng).
(Nghiệp cao chót vót người người ngắm.
Cung son hùng tráng vạn thế xem).
Nơi cung điện vàng son lộng lẫy ấy có sự nghiệp cao ngất như những tầng lầu sáng rỡ để người người ngắm, có nghi trượng trang nghiêm biểu lộ sự hoành tráng đáng để cho mọi người xem. Kiến trúc và cảnh đẹp của Đại Nội thật đáng để đời sau chiêm ngưỡng.
Tóm lại, hiểu được nội dung câu đối (1) ở Đại nội Huế, phần nào chúng ta sẽ thấy được diện mạo văn hoá Huế trên một loại hình văn bản độc đáo.